Nền tảng CSKH trên MXH thay vì cài ứng dụng
Trong chương trình Shark Tank Việt Nam tập 10, nền tảng CSKH trên nền tảng MXH CNV Holdings để kêu gọi 250.000 USD cho 5% cổ phần. Theo hai đại diện: Phú Nguyễn – Nhà điều hành CNV Holdings và Nam Nguyễn – Giám đốc tăng trưởng, CNV Loyalty – nền tảng tạo mobile app (ứng dụng trên thiết bị di động) cho doanh nghiệp (DNN), giúp các DN kiến tạo khách hàng trung thành. Giải pháp của CNV Loyalty có thể triển khai trên nhiều thiết bị khác nhau, từ mobile app đến POS quẹt thẻ.
Theo giới thiệu của startup, CNV là nền tảng build (thiết kế) ứng dụng cho DN để CSKH. Khách hàng bình thường trở thành khách hàng của mình thì có thể lên Zalo của DN để xem chương trình ưu đãi, có thể mua hàng trực tiếp trên Zalo, mua qua app (ứng dụng) DN hoặc lên Facebook, fanpage của DN cũng hưởng những chương trình ưu đãi tương tự.
Chia sẻ về bức tranh tài chính, hai đại diện CNV cho biết đã có hơn 500 brand (thương hiệu) đã kích hoạt sử dụng. CNV hiện có 3 mô hình thu tiền là bán phần mềm – bán giải pháp CSKH cho DN; mô hình subcription (thuê bao) thu phí theo từng năm; mô hình transition (chuyển đổi) thu phí trên từng giao dịch. Hiện tại CNV đã đi đến mô hình thứ 2 là subcription. Phú Nguyễn cho biết đã bắt đầu triển khai giải pháp này từ tháng 3/2020, ngay trong mùa dịch. Tháng 9/2020, CNV đạt doanh thu 1,6 tỷ, tháng 12/2020 đạt 2 tỷ, lợi nhuận khoảng 1 tỷ. 4 tháng đầu năm 2021, doanh thu của CNV đạt gần 7 tỷ, đã vượt qua điểm hòa vốn với lợi nhuận khoảng 16%, tương đương hơn 1 tỷ đồng.
Với mô hình subcription, năm đầu tiên khách hàng sẽ trả chi phí triển khai khoảng 50 triệu đồng. Họ được miễn phí chi phí hạ tầng và từ năm thứ 2 trở đi sẽ trả phí 20 triệu đồng/năm. Theo thống kê, trung bình mỗi khách hàng của CNV đưa được 8.000 – 10.000 khách hàng lên hệ thống loyalty (CSKH) thì sẽ phát sinh được từ 20 – 40 đơn trên hệ thống.
Cuối cùng, startup này đã chấp nhận lời đề nghị của Shark Hưng 250.000 USD cho 10% cổ phần.
CNV Loyalty cần lấy phần mềm kế toán Misa làm mục tiêu phấn đấu
Đánh giá về CNV trong tập 10 Shark Tank, chuyên gia Nam Nguyễn, Kỹ sư trưởng giải pháp cho Salesforce (Công ty cung cấp giải pháp phần mềm cho DN trên nền tảng cloud của Mỹ – PV) cho biết, startup này đang đánh vào yếu tố nhanh, rẻ của nhiều DN nhỏ (SME) với thị trường rất lớn, thông qua việc cung cấp toàn bộ giải pháp dưới dạng thuê bao, tính phí trên số lượng thành viên hoặc doanh thu với chi phí vài chục triệu/năm. Ngoài ra, CNV loyalty còn “may đo” thành các giải pháp chuyên cho một số ngành như F&B, Retail, Spa… với một số tính năng đặc thù.
Thông thường, một DN muốn tạo chương trình khách hàng thân thiết (loyalty program) để tích lũy điểm, thông tin thông báo, CSKH và bán hàng trực tiếp thì sẽ phải tự làm hoặc thuê bên ngoài phát triển ứng dụng, và sẽ tốn chi phí chừng 200 – 300 triệu đồng tới 1-2 tỷ đồng.
Chuyên gia Nam Nguyễn cho rằng, mặc dù nghe qua thì mô hình này rất hay nhưng phân tích kỹ sẽ thấy nhiều vấn đề. Đầu tiên, do đây là mô hình all-in-one (tất cả trong 1) nên sẽ không sâu. “Vì vậy, các tính năng từ ưu đãi, tới marketing tới thương mại điện tử (eCommerce) đều ở mức cơ bản. Do đó, nếu khách hàng cần sâu hơn một chút thì sẽ lắc đầu bỏ đi”, ông Nam Nguyễn khẳng định.
Đồng thời, theo cách định vị của CNV, rõ ràng họ đang nhắm vào phân khúc SME. Đây là phân khúc ngân sách ít, đòi hỏi nhiều và nhu cầu rất đa dạng. Nếu CNV chạy theo nhóm này tương lai sẽ như KiotViet, Misa, Bravo…. khó ra khỏi “ao làng” vì gắn chặt mình với các đặc thù quá Việt Nam. Chưa kể đến, mô hình này rất dễ copy (bắt chước – PV) vì không cần nhiều “know-how” (kiến thức – PV) khi phát triển. Các công ty phần mềm nhỏ nhỏ làm vài app CSKH hay TMĐT đều có thể nhanh chóng đóng gói một sản phẩm tương tự và bán giá rẻ hơn.
“Tôi kỳ vọng nhiều hơn ở CNV Loyalty và mong họ tập trung sâu hơn về phần Loyalty. Vì nhu cầu có một giải pháp chuyên sâu về loyalty của Enterprise kể cả trong và ngoài nước đều rất rõ ràng nhưng số lượng nhà cung cấp giải pháp rất ít và giá thành đắt”, ông Nam Nguyễn bày tỏ.
Vì thế, theo ông Nam Nguyễn, một giải pháp Loyalty chuyên sâu phải có các khả năng: Đầu tiên là thiết kế các nhóm thành viên (member tier), chương trình (program/campaign/gamification) đa dạng linh hoạt: theo sản phẩm, theo thương hiệu, theo công ty thành viên, theo chương trình, theo đối tác. Đồng thời cần có cơ chế “Tích lũy” và “Đổi điểm” (Earn and Burn) linh hoạt, bao gồm theo thời gian, sự kiện (lúc đăng ký, lúc sinh nhật, kỷ niệm 5 năm làm thành viên…), theo chi tiêu (transaction), theo hạng thành viên… với hàng loạt quy định: thời điểm hết hạn, điểm có trước thì hết trước hay hết sau, tỉ lệ quy đổi giữa các mốc thời gian, các sản phẩm, thương hiệu…
Cuối cùng, giải pháp cần tập hợp, tích hợp, phân loại, làm sạch dữ liệu để có nguồn dữ liệu vừa nhiều vừa nhanh cũng toàn là các bài toán khó.
Cũng theo ông Nam, ngoài CNV, rất nhiều phần mềm Việt Nam cũng theo hướng dàn trải theo tư duy SME kiểu này, đó là chạy theo khách hàng để xây dựng “một chiếc xe ba gác”, vừa chở hàng, vừa chở người để rồi chả bao giờ xuất khẩu được một chiếc nào ra nước ngoài vì chẳng ai cần ba gác.” Vì vậy, các DN Việt chỉ cần làm một vài sản phẩm thôi nhưng thật sâu, thật xịn thật chuyên, bởi vì phải đi kiểu ấy mới mong ra khơi (đi ra thị trường nước ngoài -PV) được”,
Cuối cùng, chuyên gia Nam Nguyễn đưa ra kết luận, CNV Loyalty còn rất nhiều việc phải làm phía trước. Nếu họ tiếp tục dàn hàng ngang theo tư duy “xe ba gác” thì xác định lấy kế toán Misa làm mục tiêu cao nhất (có được sự phổ biến như ứng dụng kế toán của Misa – PV), còn nếu muốn 100 triệu đô thì phải thay đổi càng sớm càng tốt./.
(Nguồn: smedx)