Nguồn báo đầu tư: Khách hàng thân thiết là nguồn sống
Trước sự càn quét của đại dịch Covid-19, không ít doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô, hoạt động cầm cự, thậm chí đóng cửa, nhưng CNV Loyalty – đơn vị cung cấp nền tảng chăm sóc khách hàng trên di động cho các doanh nghiệp Việt Nam lại có nhiều cơ hội phát triển.
Mấy ngày nay, Tuấn Phú đang gấp rút tìm mặt bằng lớn hơn để chuẩn bị triển khai kế hoạch mở rộng Công ty. Trong vòng 4 tháng tới, CNV Loyalty sẽ cần 150 nhân viên, tăng gấp đôi so với số nhân sự hiện tại để thực hiện các mục tiêu kinh doanh cũng như ra mắt các tính năng mới.
Mới đây, vào đầu tháng 8/2020, CNV Loyalty đã đạt được thỏa thuận đầu tư với một tập đoàn trong nước có hệ sinh thái khá phổ biến thuộc lĩnh vực thương mại điện tử. Đây là bàn đạp lý tưởng để sản phẩm của CNV Loyalty tăng độ phủ trong thời gian tới.
CNV Loyalty (tiền thân là CNV) thành lập năm 2017. Năm 2019, Công ty thử nghiệm mô hình cung cấp sản phẩm đóng gói, giá trị cao cho một số doanh nghiệp lớn.
Sản phẩm được chấp nhận giúp Tuấn Phú có nguồn lực để mua lại một doanh nghiệp quảng cáo trực tuyến vào đầu năm 2020 và hai tháng sau tiến hành bán dịch vụ sản xuất ứng dụng di động chăm sóc khách hàng trung thành với quy mô lớn. CNV Loyalty tập trung vào 5 nhóm khách hàng là các cơ sở spa, kinh doanh thực phẩm và đồ uống (F&B), bán lẻ, phòng tập thể hình và đại lý bảo trì xe ô tô.
Tuấn Phú chia sẻ, chỉ với mức chi phí 50 – 150 triệu đồng, thấp hơn nhiều lần so với tự xây dựng, doanh nghiệp sẽ được CNV Loyalty thiết kế một ứng dụng để tương tác trực tiếp với khách hàng.
Ưu điểm của ứng dụng di động là có thể tiếp cận khách hàng với chi phí thấp hơn so với tiếp cận bằng email, tin nhắn, đặc biệt, tỷ lệ tiếp cận chính xác khách hàng lên đến 95%.
Tính đến nay, đã có gần 100 khách hàng sử dụng dịch vụ của CNV Loyalty và con số sẽ không dừng lại ở đó. Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, doanh nghiệp có xu hướng đầu tư mạnh vào giải pháp chăm sóc khách hàng thân thiết để giảm chi phí bán hàng và đây chính là cơ hội cho CNV Loyalty.
Đến thời điểm này, Tuấn Phú vẫn cho rằng, nếu dịch vụ thiết kế ứng dụng ra mắt ở thời điểm hai – ba năm trước, có thể sẽ không thu hút được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp. Bởi khi các cửa hàng truyền thống kinh doanh ổn định, không nhiều doanh nghiệp chú trọng đầu tư các giải pháp công nghệ có tính lâu dài như chăm sóc khách hàng trung thành.
“Nhưng dịch bệnh đã thay đổi mọi thứ. Các khoản đầu tư, chi phí cho hạ tầng đang trở thành gánh nặng. Giờ đây, nhiều doanh nghiệp bắt đầu quan tâm đến tài sản công nghệ, thứ mà họ có thể giữ lại được sau mỗi đợt khủng hoảng”, Tuấn Phú nói.
Nhận định của Tuấn Phú là có cơ sở. Nghiên cứu gần đây của UOB (Singapore), EY và Dun & Bradstreet cũng cho thấy, 3/5 doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam ưu tiên đầu tư vào công nghệ hơn các lĩnh vực truyền thống như nhà máy hoặc máy móc để tìm kiếm cơ hội tăng trưởng trong nền kinh tế kỹ thuật số. 71% doanh nghiệp cho biết sẽ ưu tiên đầu tư vào phần mềm như ứng dụng di động và tiếp thị kỹ thuật số, vì chúng sẽ cải thiện trải nghiệm và tăng mức độ trung thành của khách hàng đối với thương hiệu của họ.
Tố chất của người kinh doanh
Tuấn Phú thuộc thế hệ 8X “đời cuối”, dáng người gầy, dong dỏng cao, đeo kính cận, trông khá thư sinh. Nhưng không nhiều người biết, anh chàng thư sinh này đã biết kinh doanh từ thời còn là học sinh trung học cơ sở.
Biến cố không may xảy ra với gia đình khi đang học lớp 8, từ đó, Tuấn Phú bắt đầu phải quen với việc tự kiếm tiền. Anh mua đi, bán lại dụng cụ học tập cho các bạn để có tiền tiêu vặt.
Năm lớp 10, Tuấn Phú được cậu tặng một bộ máy tính để bàn. Hồi đó, máy nghe nhạc đĩa CD đang thịnh hành, Tuấn Phú nảy ra ý tưởng kinh doanh mới. Anh nhận yêu cầu chép nhạc vào đĩa CD cho các bạn học trong lớp, trong trường. Tuấn Phú thuê một người bạn làm công đoạn tải nhạc, rồi đem về nhà ghi ra đĩa. Bài toán nhận báo giá, thuê ngoài rồi tính toán lời lãi được anh áp dụng khá nhuần nhuyễn.
Có máy tính, Tuấn Phú bắt đầu học cách tạo diễn đàn, website miễn phí cho trường. Chỉ vài ngày sau khi anh đưa diễn đàn vào hoạt động, đã có gần một ngàn người đăng ký làm thành viên.
Thời đó, mã nguồn mở diễn đàn, website được chia sẻ miễn phí trên mạng, người chưa biết gì về lập trình như Tuấn Phú cũng có thể tạo được. Nhưng nếu diễn đàn, website được tạo từ các mã nguồn đó có quá nhiều người truy cập, thì đòi hỏi người quản trị phải biết lập trình để tối ưu tốc độ truy cập, xử lý.
Tuấn Phú lân la khắp các diễn đàn tin học phổ biến thời đó để hỏi kinh nghiệm, rồi tự học lập trình bằng ngôn ngữ PHP. Anh nhớ mãi “thầy giáo” ở tiệm Internet gần nhà, vốn là cậu bạn lớn hơn vài tuổi, nhưng khá rành về ngôn ngữ này. Cứ mỗi lần “thầy” ra tiệm Internet chơi game, là cậu học trò bất đắc dĩ lại ra ngồi kế bên. Nhớ được gì, “thầy” chỉ cái đó, Tuấn Phú cẩn thận ghi chép từng lời chỉ dẫn, rồi tự học và hệ thống lại những kiến thức lượm lặt đó.
Sau một năm, từ một người chuyên hỏi kinh nghiệm và nhờ hỗ trợ trên các diễn đàn tin học, Tuấn Phú trở thành người trả lời các vấn đề hóc búa. Nhờ vậy, các hợp đồng thiết kế website, diễn đàn từ doanh nghiệp đến với anh khi đang học lớp 11. Lên lớp 12, Tuấn Phú trao lại diễn đàn cho các bạn khóa dưới quản lý và vận hành, chỉ hỗ trợ về mặt kỹ thuật.
Có thu nhập từ làm thêm, Tuấn Phú bắt đầu hỗ trợ duy trì hosting (duy trì đường truyền, băng thông truy cập vào website, diễn đàn) cho các trường trung học cơ sở ở TP.HCM, mức phí chỉ khoảng 2,5 triệu đồng/trường/năm. Đổi lại, một vài vị trí quảng cáo đắc địa trên các diễn đàn sẽ thuộc quyền khai thác của Tuấn Phú.
Anh chào bán những vị trí quảng cáo này cho các đơn vị tài trợ cuộc thi hát, các nhãn hàng tiêu dùng nhanh thực hiện chiến dịch quảng cáo… Doanh thu không cao, nhưng đổi lại, anh có được mối quan hệ với những người thành đạt trong lĩnh vực công nghệ.
Nguồn sống từ khách hàng thân thiết
Trong khoảng thời gian khai thác quảng cáo trên các website, diễn đàn, Tuấn Phú bắt đầu quan tâm đến các khách hàng trung thành cũng như các giải pháp kết nối, chăm sóc tệp khách hàng.
“Thời đó vừa học, vừa làm, quỹ thời gian eo hẹp, nên mỗi khách hàng quay lại là tôi trân trọng lắm. Có khách hàng thân thiết, mình không tốn chi phí tìm kiếm, không tốn thời gian đàm phán…”, Tuấn Phú nói.
Có khách hàng trung thành, nhưng làm thế nào để khai thác hiệu quả lượng khách hàng này thì Tuấn Phú vẫn chưa thể nghĩ ra. Câu hỏi đó đeo đuổi anh trong suốt hai năm đầu học đại học. Đến năm 2009, Tuấn Phú quyết định nghỉ học để khởi nghiệp với Công ty Công nghệ Việt (CNV), chuyên gia công phần mềm.
Năm 2012, CNV ra mắt Gold Card – một website tập hợp nhiều thương hiệu trong ngành spa, ăn uống, cà phê ở TP.HCM. Khách hàng mua thẻ do CNV phát hành sẽ được giảm giá 10 – 20% khi ăn uống, sử dụng dịch vụ tại các cơ sở đối tác.
Dự án thất bại không lâu sau đó, cuốn theo 600 triệu đồng tiền đầu tư. Thời đó, điện thoại di động thông minh chưa phổ biến, nên không nhiều người hào hứng với mô hình Gold Card.
Không nản, Tuấn Phú quay lại công việc gia công phần mềm và tiếp tục trăn trở với những kế hoạch khởi nghiệp. Bài học từ thực tiễn kinh doanh giúp anh nhận ra rằng, khách hàng thân thiết chính là nguồn sống của doanh nghiệp.
Năm 2017, anh bắt đầu xây dựng CNV Loyalty – nền tảng chăm sóc khách hàng thân thiết trên di động, hướng đến khách hàng mục tiêu là các doanh nghiệp lớn. Với kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực này, Tuấn Phú đã đưa ra được những giải pháp hiệu quả, được nhiều doanh nghiệp lớn chấp nhận, như Viettel, MB Bank và điều đó cũng thể hiện cái “chất” của CNV Loyalty trong mắt nhà đầu tư.
Với nguồn vốn mới được bổ sung, CNV Loyalty đang chuẩn bị cho giai đoạn II. Khi các doanh nghiệp đã triển khai ứng dụng chăm sóc khách hàng trung thành, có lượng khách hàng tương tác hàng ngày, thì bước tiếp theo là đưa ra các kịch bản tiếp thị tự động và cá nhân hóa thông qua ứng dụng để kích thích khách mua hàng, tiếp tục sử dụng dịch vụ, với chi phí thấp nhất.
Đây là bài toán khó, vì ứng với các tệp khách hàng của từng ngành khác nhau, cần có kịch bản khác nhau, song Tuấn Phú đã có lời giải và dự kiến ra mắt tính năng này vào tháng 9 tới.
Nguồn Báo Đầu Tư: Khách hàng thân thiết là nguồn sống