Startup CNV Loyalty đã được 2 Shark Bình và Hưng tranh giành đầu tư trong tập 10 Shark Tank 2021 và chiến thắng cuối cùng đã thuộc về Shark Hưng với lời đề nghị 250.000 USD cho 10% cổ phần. Tuy nhiên theo Nam Nguyễn – Lead Solution Enginees của Salesforce, đang sống tại Singapore; thì để có thể go global – ra thị trường toàn cầu, CNV Loyalty cần xem lại chiến lược phát triển của mình. Sau đây là bài viết của Nam Nguyễn.
——-
Tuấn Phú và Nam Nguyễn là những nhân tố bản lĩnh, xịn xò, khen tới khuya cũng chưa hết; nên tôi chỉ tập trung vào việc kinh doanh của CNV thôi.
Nôm na vầy: một doanh nghiệp muốn tạo chương trình khách hàng thân thiết (loyalty program) để tích lũy điểm, gửi thông tin thông báo, chăm sóc khách hàng và bán hàng trực tiếp thì sẽ phải tự làm hoặc thuê bên ngoài phát triển ứng dụng. Phần này sẽ tốn chi phí chừng 200-300 triệu tới 1-2 tỷ đồng.
CNV Loyalty cung cấp luôn toàn bộ giải pháp trên dưới dạng thuê bao, tính phí trên số lượng thành viên hoặc doanh thu với chi phí vài chục triệu/năm.
Ngoài ra, CNV Loyalty còn customize thành các giải pháp chuyên cho 1 số ngành như F&B, bán lẻ, spa… với một số tính năng đặc thù.
CNV Loyalty rõ ràng đánh vào yếu tố nhanh rẻ của nhiều doanh nghiệp nhỏ. Thị trường này cũng rất lớn!
Nghe hay phải không?
Tuy nhiên, có rất nhiều vấn đề. Thứ nhất, đây là mô hình all-in-one nên không có chỗ nào sâu. Tôi khá chắc tất cả tính năng từ ưu đãi, marketing tới eCommerce đều ở mức cơ bản. Nên nếu nói ‘có thì có’, nhưng chỉ cần khách hàng cần sâu hơn một chút là họ dễ lắc đầu bỏ đi.
Thứ hai, theo cách định vị của CNV Loyalty, rõ ràng họ đang nhắm vào phân khúc SMEs. Mà đây là phân khúc ngân sách ít, đòi hỏi nhiều và nhu cầu rất đa dạng. Chạy theo nhóm này, tương lai CNV Loyalty sẽ như KiotViet, Misa, Bravo….; startup rất khó ra khỏi ‘ao làng’ vì gắn chặt mình với các đặc thù quá Việt Nam.
Thứ ba, mô hình CNV Loyalty rất dễ copy vì không cần nhiều “know-how” khi phát triển. Các công ty phần mềm nho nhỏ làm vài app chăm sóc khách hàng hay eCommerce kiểu như thế này, đều có thể nhanh chóng ‘đóng gói’ một sản phẩm tương tự và bán với giá rẻ hơn.
Tôi kỳ vọng nhiều ở CNV Loyalty và mong họ tập trung sâu hơn về phần Loyalty. Vì nhu cầu có một giải pháp chuyên sâu về loyalty của doanh nghiệp, kể cả trong và ngoài nước đều rất rõ ràng, nhưng số lượng nhà cung cấp giải pháp rất ít và giá thành đắt.
Một giải pháp Loyalty chuyên sâu phải có các khả năng sau đây:
– Thiết kế các nhóm thành viên (member tier), chương trình (program/campaign/gamification) đa dạng linh hoạt: theo sản phẩm, theo thương hiệu, theo công ty thành viên, theo chương trình, theo đối tác.
– Cơ chế Tích lũy và Đổi điểm (Earn and Burn) linh hoạt. Bao gồm theo thời gian, sự kiện (lúc đăng ký, lúc sinh nhật, kỷ niệm 5 năm làm thành viên…), theo chi tiêu (transaction), theo hạng thành viên…; với hàng loạt quy định: thời điểm hết hạn, điểm có trước thì hết trước hay hết sau, tỷ lệ quy đổi giữa các mốc thời gian, các sản phẩm, thương hiệu…
– Tập hợp, tích hợp, phân loại, làm sạch dữ liệu để có nguồn dữ liệu vừa nhiều vừa nhanh cũng toàn là các bài toán khó.
CNV Loyalty có thể thêm các tính năng khác nhưng nên tích hợp chứ không cần xây hết.
Tiện đây tôi cũng nói luôn, rất nhiều phần mềm Việt Nam cũng theo hướng dàn trải theo tư duy SMEs kiểu này: chạy theo khách hàng để xây dựng một chiếc xe ba gác – vừa chở hàng, vừa chở người để rồi chả bao giờ xuất khẩu được một chiếc nào ra nước ngoài, vì ở nước ngoài chẳng ai cần ba gác!
Vì vậy, nếu tôi có một ước mơ, tôi sẽ mơ được chia sân cho các doanh nghiệp Việt. Mỗi ông làm 1 vài món thôi nhưng làm thật sâu, thật xịn, thật chuyên nghiệp. Phải đi kiểu ấy mới mong ra khơi được!
Tóm lại, CNV Loyalty còn rất nhiều việc phải làm phía trước. Nếu họ tiếp tục dàn hàng ngang theo tư duy “xe ba gác” thì xác định lấy kế toán Misa làm mục tiêu cao nhất. Còn nếu muốn được định giá 100 triệu USD, họ phải thay đổi.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị